PhongVoNam

PhongVoNam

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vandanviet.net - trích: Trái tim không tật nguyền...


Thứ Sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2014

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vandanviet.net - Trích: Trái tim không tật nguyền...

Truyện ngắn 2 Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Truyện ngắn 2 Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Nó có tên tuổi, có bố mẹ như bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng bây giờ người ta chẳng cần biết gốc gác, lai lịch của nó như thế nào mà chỉ cần biết nó là thằng Khoèo, bởi nó khoèo rõ ràng: cái đầu to với khuôn mặt méo mó dị dạng lúc thì như văng lên trời, lúc lại như muốn rơi bịch xuống đất. Một tay, một chân nó cũng khoèo, vừa dài loằng ngoằng vừa co quắp không theo một trình tự lớp lang nào, khiến cho lúc nó di chuyển, cả thân hình nó xiêu vẹo, ngất ngư như muốn đổ nhào. Nhưng không, nó không bao giờ đổ nhào, té ngã bởi phân nửa thân hình còn lại phía bên trái của nó- phía bên có trái tim, rất rắn chắc, to khỏe không thua kém bất cứ vận động viên điền kinh cấp kiện tướng nào. ...
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Nếu có ai hỏi ông Đồ Tiếu, một trong số những người cao tuổi nhất Làng Hạ, rằng tại sao Làng Hạ có "biệt danh” là "Làng nói Trạng” thì ông đều kể bằng một câu chuyện rất dài và chỉ có thể tóm tắt như sau: Ngày xưa, có lần ông Thầy Địa lý khét tiếng Tả Ao trên đường đi ngao du bốn phương, khi tới Làng đã năm lần bảy lượt bỏ đi rồi lại quay lại Làng, đi tới đi lui, định nói gì rồi lại thôi. Cứ như thế suốt hai ngày, khiến cho những nhà Nho trong Làng hồi hộp lo âu không biết Làng mình có điều gì bí ẩn mà đến bậc đã khiến cho Quỷ khốc ...



» Bản tin » Thư viện truyện ngắn

Truyện ngắn 2 Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)

Thứ năm - 30/08/2012 20:10
Nó có tên tuổi, có bố mẹ như bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng bây giờ người ta chẳng cần biết gốc gác, lai lịch của nó như thế nào mà chỉ cần biết nó là thằng Khoèo, bởi nó khoèo rõ ràng: cái đầu to với khuôn mặt méo mó dị dạng lúc thì như văng lên trời, lúc lại như muốn rơi bịch xuống đất. Một tay, một chân nó cũng khoèo, vừa dài loằng ngoằng vừa co quắp không theo một trình tự lớp lang nào, khiến cho lúc nó di chuyển, cả thân hình nó xiêu vẹo, ngất ngư như muốn đổ nhào. Nhưng không, nó không bao giờ đổ nhào, té ngã bởi phân nửa thân hình còn lại phía bên trái của nó- phía bên có trái tim, rất rắn chắc, to khỏe không thua kém bất cứ vận động viên điền kinh cấp kiện tướng nào. ...
Truyện ngắn 2 Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)
Truyện ngắn 2 Đỗ Ngọc Thạch (TP.HCM)
Thông tin liên hệ:
Tác giả Đỗ Ngọc Thạch
Sinh ngày 19-5-1948, tại Phú Thọ.
Hiện sống và làm việc tại TP. HCM
Email: dongocthach18@yahoo.com.vn
_____



                          11 Đỗ Ngọc Thạch

TRÁI TIM KHÔNG TẬT NGUYỀN


    Đêm nay
              Những đôi nam nữ gặp gỡ
    Ngày mai        
              Ra đời những đứa bé mồ côi!
                                              (B. Brest)

1.
    Nó có tên tuổi, có bố mẹ như bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng bây giờ người ta chẳng cần biết gốc gác, lai lịch của nó như thế nào mà chỉ cần biết nó là thằng Khoèo, bởi nó khoèo rõ ràng: cái đầu to với khuôn mặt méo mó dị dạng lúc thì như văng lên trời, lúc lại như muốn rơi bịch xuống đất. Một tay, một chân nó cũng khoèo, vừa dài loằng ngoằng vừa co quắp không theo một trình tự lớp lang nào, khiến cho lúc nó di chuyển, cả thân hình nó xiêu vẹo, ngất ngư như muốn đổ nhào.  Nhưng không, nó không bao giờ đổ nhào, té ngã bởi phân nửa thân hình còn lại phía bên trái của nó- phía bên có trái tim, rất rắn chắc, to khỏe không thua kém bất cứ vận động viên điền kinh cấp kiện tướng nào. Những khi cần đứng lại làm cái gì đó, nó đứng vững vàng bằng chân trái, để cho cái chân phải và cánh tay phải cứ dao động hỗn loạn, không theo nhịp phách nào cả. Nó hành nghề bán sách, báo rong trong cái Bệnh viện Nhi đồng này từ bao giờ và "thu nhập” của nó ra sao, ai hơi đâu mà quan tâm?
    Cho đến bây giờ, có lẽ chỉ có hai, ba người biết nó cặn kẽ.  Người biết nó rõ hơn cả là bà Lý, làm hộ lý ở bệnh viện này từ thuở sơ khai. Bà bảo, lúc nó nhập viện là một đứa bé sáu tuổi rất dễ thương. Nó bị viêm não, khi đưa đến bệnh viện thì đã hôn mê. Đưa nó vào cấp cứu xong, hỏi đến thân nhân đứa bé thì chẳng có ai. Thì ra nó đã bị bố mẹ bỏ mặc! Người ta tưởng nó chết nhưng nó đã không chết. Người ta giao nó cho bà Lý chăm sóc. Người thứ hai cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc nó là cô y tá tên Thơ, còn trẻ tuổi, mới vào nghề.
    Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong bệnh viện như trường hợp thằng Khoèo, sau khi điều trị khỏi bệnh, người ta đưa chúng tới những trại mồ côi, Cô nhi viện. Hôm bà Lý bế thằng Khoèo đi, người ta chưa nhận. Trong khi đó, nó bám lấy bà Lý rất chặt, đôi mắt ngây thơ, non dại của nó nhìn bà như van lơn cầu khẩn rồi đầm đìa nước mắt. Hồi lâu, nó mới nói được rằng: "Má…Má đừng bỏ con!”. Nhìn nó, bà Lý cũng rớt nước mắt. Bà rất thương nó, nhưng bà chuẩn bị cưới chồng, làm sao nhà chồng chịu khi bà đưa thêm thằng bé tật nguyền này về nhà? Cô y tá Thơ, lần đầu tiên được chứng kiến cảnh này đã không ngăn được nước mắt và nói nhanh: "Chị cứ đưa nó về, lúc nào chị cưới thì em sẽ nuôi nó”. Bà Lý nhìn Thơ cũng lại muốn khóc mà nói: "Em mới vào nghề, còn trẻ nhưng cũng phải lo dần chuyện chồng con đi chứ, để "lỡ thì” như chị không được đâu!”. Dùng dằng mãi, cuối cùng bà Lý và Thơ đưa nó về cư xá. Thôi, trời sinh voi trời sinh cỏ, cứ đưa nó về đã, tính sau, chẳng lẽ lại quăng nó ra ngoài đường.
    Cũng vì chuyện nuôi thằng Khoèo mà bà Lý chút  xíu nữa thì không lấy được chồng.  Đó là cái tối hôm ấy, Thơ phải trực ca đêm, thằng Khoèo đang bị cảm sốt. Bà Lý cho nó uống thuốc.  Vừa uống xong một viên thuốc, nó ói ra cả người bà, quần áo dính dơ hết. Đúng lúc đó, người chồng sắp cưới  của bà cầm hai cái vé đi xem cải lương tới. Nhìn thấy cảnh tượng đó, người đàn ông này đã đi luôn và không bao giờ trở lại. Người chồng sau của bà Lý là một người bạn của người đàn ông kia. Họ sống với nhau rất hạnh phúc và còn muốn đưa thằng Khoèo về nuôi, nhưng thằng Khoèo không chịu, nó đòi ở với cô y tá Thơ. Bà Lý nghĩ, không biết nó có nghĩ tới lúc cô Thơ cũng phải đi lấy chồng như bà hay không?

2.
    Thơ là con gái thứ tư trong một gia đình buôn bán khá giả. Nhưng từ ngày bố mẹ Thơ xây nhà bốn lầu kinh doanh "nhà hàng máy lạnh” thì Thơ muốn bỏ cái "tổ lạnh” ấy mà đi thật xa để khỏi phải hàng ngày chứng kiến những cảnh ăn chơi trụy lạc của đám thực khách VIP ấy. Thơ đã bỏ nhà đi thật khi có một ông khách VIP định "dê” cô. Thơ đến làm phụ việc cho một phòng mạch tư của một ông bác sĩ già tốt bụng. Ông đã cho Thơ tá túc và còn cho Thơ theo học một lớp y tá. Sau đó, khi ông không muốn mở phòng mạch nữa (con cháu ông không cho ông làm việc!) thì đã xin cho Thơ vào làm việc ở cái bệnh viện Nhi đồng này. Khi ông bác sĩ chết, Thơ xin vào ở hẳn trong cư xá của bệnh viện, ở chung phòng với bà Lý. Khi xảy ra chuyện thằng Khoèo, Thơ vừa mười tám tuổi. Thời gian thoi đưa, Thơ nuôi thằng Khoèo đã được một năm.
    Bà Lý tuy đã về nhà chồng nhưng vẫn thường xuyên tới thăm thằng Khoèo và hàng tuần, hàng tháng đều có quà, hoặc có tiền cho thằng Khoèo. Bà Lý vẫn làm việc ở bệnh viện Nhi đồng với Thơ nên việc Thơ nhận nuôi thằng Khoèo không phải là đơn độc. Hơn nữa, số tiền lương và phụ cấp của Thơ cũng đủ cho hai người sống. Tuy thế, bà Lý vẫn lo, nếu Thơ và thằng Khoèo ngã bệnh đột xuất thì lấy gì mà chi tiêu? Bà Lý còn lo xa cho Thơ, rồi cũng đến cái ngày Thơ phải đi lấy chồng, có gia đình riêng, không biết sẽ nhý thế nào? Lo là lo thế thôi, bà Lý cũng không biết phải làm gì?
    Những lúc rảnh rỗi, bà Lý thường đến chơi với thằng Khoèo, hi vọng tìm ra một lối thoát tốt đẹp cho tương lai của nó, nhưng tìm mãi vẫn chưa ra! Nhiều lúc, hàng giờ nhìn nó hì hụi ngồi vẽ theo những bức vẽ trong sách truyện tranh, bà thấy rối cả ruột! Một hôm, chồng bà Lý cùng đến chơi với thằng Khoèo. Vừa nhìn thấy nó ngồi vẽ say sưa, ông ta tròn xoe mắt và la lên:
    - Trời đất!
    - Cái gì? Thế nào?- Cả bà Lý và Thơ cùng hỏi.
    - Thằng nhỏ này có hoa tay lắm!- Ông chồng bà  Lý chưa hết ngạc  nhiên. Bà Lý hỏi:
    - Vẽ loằng ngoằng thế này mà ông bảo là tài hoa à?
    - Bà chẳng biết cái gì cả!- Ông chồng bà Lý cao giọng- Các bà có báu vật trong tay mà tưởng là đất cát. Nó sẽ trở thành một họa sĩ lừng danh thiên hạ!  Bây giờ phải cho nó đi học ở trường Mỹ thuật, đến đấy, tài năng của nó sẽ có cơ hội phát triển! Nó sẽ thành một họa sĩ lừng danh!- ông chồng bà Lý vẫn chưa hết ngạc nhiên!
    - Đi học? Ờ, cho nó đi học, biết đâu…- bà Lý tư lự- Nhưng lấy đâu ra tiền để cho nó đi học? Hiện nay, chỉ đủ sống đã là may mắn lắm rồi!
    Tất cả đều im lặng đến hai, ba phút. Thơ phá tan sự im lặng:
    - Hay là em đi làm thêm…
    - Làm gì?- bà Lý băn khoăn- Vốn liếng chẳng có, tài ba thì không, chỉ có đi làm thuê làm mướn! Mà sức vóc cô thì làm được gì ngoài cái việc tiếp viên nhà hàng, mà nhà hàng thì...- vừa nói tới đó, bà Lý ngừng bặt, bà biết đã lỡ nói đến mấy chữ "nhà hàng” là đụng đến nỗi đau âm ỉ của Thơ.
    - Em sẽ đi làm phụ cho mấy phòng mạch…- Thơ nói.
    - Cũng được đấy, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Rủi gặp phải mấy cha bác sĩ có máu dê thì tàn đời…- Bà Lý trút ra một tiếng thở dài, trong đầu bà vụt hiện lại cái thời trẻ. Bà cũng làm phụ việc cho một phòng mạch, cha bác sĩ nài ép bà quá, bà không cưỡng được. Rồi chuyện cũng đến tai bà vợ ông bác sĩ, bà bị đánh ghen một trận hút chết! Nhưng Thơ đâu biết chuyện đó của bà Lý, cô vẫn còn trẻ tuổi quá chưa thể hình dung hết biết bao cạm bẫy trong cuộc đời oan nghiệt này. Thơ nói:
    - Em đã làm cái việc ấy rồi. Cái ông bác sĩ già ngày trước cho em làm ấy rất tốt. Mình siêng năng, chịu khó sẽ gặp người tốt giúp đỡ mình.           
    - Thế cô định làm ở đâu chưa?- Bà Lý hỏi.
    - Bác sĩ Mùi, phó chủ nhiệm khoa có nói với em từ lâu, nhưng em nói mắc bận trông coi thằng Khoèo nên không đi làm. Bây giờ nói lại chắc bác sĩ Mùi không từ chối.
    Bà Lý giật mình nghĩ thầm: "Trời đất ơi, con nhỏ này ngây thơ thiệt tình. Ông bác sĩ này nổi tiếng máu dê mà nó chưa biết sao? Mỗi khi ông ta nhìn nó như muốn ăn tươi nuốt sống. Ông ta muốn "ăn” nó dài lâu nên mới bày đặt  ra chuyện  kêu nó đến làm phụ ở phòng mạch chứ gì? Tuy thế, bà Lý chỉ nén một tiếng thở dài trong bụng bởi bà lại nghĩ: Chuyện người đời có ngàn lẻ một cái éo le, phức tạp, mình xía vô sao được? Mà biết đâu, con bé Thơ này nó có tướng quý nhân phò trợ, nó lại được ông ta giúp đỡ thiệt tình thì sao?
    Thế là ngay ngày hôm sau, tối tối, từ bốn giờ chiều đến 8 giờ đêm, Thơ đến làm việc ở phòng mạch của bác sĩ Mùi.
    Được một tuần thì Thơ nói với bà Lý:  "Chị Lý à, chị xem có việc gì ở đâu kiếm giùm em, em không làm ở phòng mạch của bác sĩ Mùi nữa đâu”.
    Bà Lý giật mình thầm nghĩ đến cái chuyện "kia” sẽ xảy ra như bà đã lo ngại, bà gạn hỏi mãi, Thơ mới nói: "Ngay hôm đầu tiên, lúc nào ông ta cũng tìm cớ đứng kề em, đụng chạm như là vô tình vào người em, và em khó chịu nhất là cứ có cảm giác như ông ta luôn thổi vào tai, vào gáy em khi đứng ở đằng sau. Ngày thứ hai, thứ ba cũng thế, mà khách thì vắng lắm. Đến ngày thứ tư, ông ta ôm chặt lấy em mà hôn, hôn cả ở dưới bụng. Em sợ quá, chống cự quyết liệt và tính bỏ về ngay, nhưng ông ta xin lỗi ngon ngọt mãi. Được ngày thứ năm không xảy ra chuyện gì, nhưng đến ngày thứ sáu thì ông ta nhân lúc em đang thay đồ, ra treo biển nghỉ khám bệnh rồi vào, bất thần bế em lên giường rồi đè nghiến xuống. Ông ta khỏe quá, em giãy giụa được một lúc thì mệt rũ ra, tưởng rằng đã "bị” với ông ta, nhưng lúc đó thì ở ngoài cửa có ai đập rầm rầm rồi cánh cửa bật tung và một người đã ào vào. Người đó chính là thằng Khoèo! Lúc ấy, nhìn nó sao mà hung dữ như một con quỷ. Tay nó giơ cao cái búa như ông Thiên Lôi vung lưỡi tầm sét. Nó đập búa vào đỉnh đầu ông bác sĩ Mùi khiến ông ta ngất xỉu!”.
    Nghe xong chuyện, bà Lý thở dài, nói:
    - Thôi, đừng đi làm nữa. May mà thằng Khoèo mới có bảy tuổi, sức nó còn yếu, nếu không đã xảy ra án mạng rồi. Chuyện đi học vẽ của nó, để khi nào có điều kiện hãy tính. Chị chỉ ngại sau chuyện này, ông Mùi sẽ làm khó dễ cho em, ông ta là sếp mà.
    Cái lo ngại của bà Lý đã thành sự thật. Ngay hôm sau, ông Mùi gặp riêng bà Lý (chứ không phải là gặp Thơ) và nhờ bà nói lại cho Thơ biết rằng: Nếu Thơ chấp nhận làm "bồ” của ông ta, Thơ sẽ được ưu đãi trong mọi chuyện, bằng không, Thơ sẽ bị đuổi việc, cả Thơ và thằng Khoèo sẽ không được ở trong cư xá nữa. Ông Mùi vừa nài vừa ép bà Lý làm "thuyết khách ái tình” vì ông nghĩ rằng một con người ít học, suốt đời vất vả và sống nhẫn nại, thậm chí biết nhẫn nhục như bà Lý sẽ biết cách thuyết phục Thơ đi vào "con đường sung sướng” mà ông đã vẽ ra. Nhưng ông Mùi đâu có biết rằng, bằng sự từng trải của mình, bà Lý đã dùng kế "hoãn binh” để Thơ và thằng Khoèo được tạm thời yên ổn, rồi sẽ tính sau, đại loại Thơ sẽ xin chuyển sang bệnh viện khác. Ông Mùi chấp nhận cái thời hạn một năm để bà Lý thuyết phục Thơ nhưng hàng ngày ngọn lửa "ham muốn” trong lòng ông vẫn luôn bùng cháy!
    Không ai biết thằng Khoèo nghĩ gì sau "sự kiện” ấy, nó chỉ nói ngắn gọn với bà Lý và Thơ rằng, Thơ không phải đi làm thêm nữa, mà nó sẽ đi lấy báo vào trong bệnh viện bán, khi nào có đủ tiền mới đi học. Trước mắt, nó nhờ Thơ mua sách về cho nó tự học. Thế là từ đó, thằng Khoèo ôm chồng báo đi khắp các phòng bệnh. Không hiểu những người đến chăm sóc bệnh nhân có nhu cầu đọc báo cao hay thằng Khoèo "mát tay” mà nó bán rất nhanh hết. Ngày nào cũng vậy, nó ra cái đại lý báo lớn ở bên cạnh bệnh viện lấy báo lúc sáu giờ rưỡi thì chỉ đến chín, mười giờ nó đã bán hết. Sau nó lại bán thêm sách truyện nữa, cả bà Lý và Thơ đều ngạc nhiên hết sức khi  tiền bán sách báo của nó mỗi ngày tới gần năm mươi ngàn đồng. Thu nhập của nó một tháng bằng ba lần lương của Thơ. Trời đất ơi! Thơ thường giật mình kêu lên mỗi khi nó đưa tiền cho Thơ, như thế là nó nuôi được Thơ chớ đâu phải Thơ nuôi nó! Thơ cất riêng số tiền của thằng Khoèo không dùng đến, cô hy vọng đến cái ngày nó đi thi vào trường Mỹ thuật.
    Những buổi chiều, thằng Khoèo thường ngồi học một mình. Cuốn sách nào Thơ mua về cho nó, nó cũng nghiến ngấu đọc hết và nó chỉ đọc một lượt là nhớ hết. Thơ phải mua sẵn cả sách các lớp hai, lớp ba, lớp bốn nó cũng đọc hết như là đọc sách truyện vậy. Nếu không có cái việc nó ngồi hàng giờ hí hoáy vẽ những bức tranh mà Thơ không hiểu được là nó vẽ gì thì có lẽ nó đọc hết toàn bộ sách giáo khoa phổ thông chỉ trong vài tháng!
    Một buổi sáng, Thơ nghỉ trực ở nhà. Khi cô giũ chiếu lau giường cho thằng Khoèo, cô làm rớt cái bìa kẹp giấy của nó xuống đất. Những bức vẽ rơi lả tả ra sàn nhà. Đó là những hình khối với những màu sắc kỳ dị mà nhìn vào Thơ không hiểu là cái gì. Trong cái kẹp, còn lại là một cái bao nilon cứng nhìn rõ một bức vẽ chân dung cô gái rất xinh đẹp. Thơ cầm lên nhìn và giật bắn người khi thấy rõ người con gái trong bức vẽ chính là mình! Thơ chớp mắt mấy cái, ngỡ mình nhìn lầm, nhưng càng nhìn kỹ, Thơ càng thấy rõ hơn khuôn mặt của mình hiện ra lung linh, kỳ ảo sau những nét vẽ của thằng Khoèo! Lật tiếp những tờ giấy khác sau bức vẽ đó, Thơ càng kinh ngạc khi thấy rằng cả một tập bản vẽ trong cái bao nilon đó đều là hình ảnh của Thơ với nhiều tư thế khác nhau. Thơ đếm được tất cả  hai mươi  bức vẽ. Một cảm giác kỳ lạ, chưa từng có bao giờ cứ dâng lên, mạnh dần, mạnh dần trong ngực Thơ, khiến cô tưởng chừng như ngạt thở!

3.
    Cái thời hạn một năm trong kế "hoãn binh” của bà Lý rồi cũng tới. Bà Lý băn khoăn không biết sẽ ra sao vì chẳng xin chuyển đi đâu được (cũng có mấy chỗ đồng ý nhận nhưng lại kèm theo điều kiện rất nghiệt)  mà nhìn vào mắt ông Mùi, bà thấy ngọn lửa "ham muốn” của ông ta còn bốc cao hơn năm ngoái! Sợ ông Mùi thì ít, bà Lý sợ bà vợ của ông ta gấp trăm lần, bà ta đã đánh ghen "trăm trận” và bao giờ cũng phải "ghi dấu ấn” lên mặt kẻ tình địch mới chịu! Đang nghĩ mông lung, chợt bà Lý thấy trước mặt mình hiện ra mảnh giấy với dòng chữ: "Ngày chủ nhật tức ngày mai, hai chị em đến ăn tân gia nhà mới của tôi tại… Không được vắng mặt, chúng ta sẽ thanh lý hợp đồng năm trước”. "Trời đất ơi!- Bà Lý nghĩ thầm- Ông này tính làm thiệt chứ không phải chơi! Tân gia tức là cái nhà ông ta thuê lén để ở với "bồ nhí” như mấy ông có máu dê thường làm! Đến ăn tân gia tức là chấp nhận "nạp mạng” cho quỷ râu xanh! Trời đất ơi, làm sao bây giờ? Rồi bà Lý lại thầm rủa cái đầu óc mình sao mà ngu tối không nghĩ ra được mưu lược gì để giúp con bé Thơ thoát ra khỏi cái tai họa này!
    Rồi ngày chủ nhật cũng tới. Bà Lý đã ngồi bàn tính với Thơ suốt cả đêm thứ bảy mà không  nghĩ ra được kế gì, thằng Khoèo biết chuyện này của hai chị em nhưng nó rất bình thản. Bà Lý ôm chặt lấy Thơ thiếp ngủ lúc nào không hay. Trong giấc ngủ, bà Lý mơ thấy nàng công chúa xinh đẹp phải đi nạp mạng cho trăn tinh nhưng đã được chàng Thạch Sanh cứu thoát!
    Lúc bà Lý và Thơ tỉnh dậy thì đã hơn bảy giờ sáng, trời nắng rực rỡ hai người tính kêu thằng Khoèo đi cùng nhưng nó đã đi bán báo từ bao giờ. Dùng dằng một lúc, bà Lý kéo Thơ đi và nói: "Chị sẽ bám sát em xem lão ta định giở trò gì?”.
    Tân gia của bác sĩ Mùi ở trong một con hẻm rộng và vắng. Căn nhà mà ông ta thuê như một cái village nhỏ, nằm khuất sau một hàng rào cây cối um tùm. "Thật là thích hợp cho những âm mưu mờ ám”- vừa bước vào cổng bà Lý chợt nghĩ và thoáng rùng mình. Bác sĩ Mùi đã chờ sẵn ở gian phòng ngoài được trang trí khá đẹp. Vừa ngồi xuống bộ salông nệm cao lút đầu người, bà Lý lại thốt giật mình và có cảm giác như bị một sức mạnh bí ẩn nào đó kéo đi mãi vào một con đường hầm hun hút tối om. Còn Thơ, vừa ngồi xuống bộ salông, cô đã chạm phải ánh mắt kỳ quái của ông Mùi, cô thấy lạnh run người và phút chốc như là bị nhấc bổng lên những tầng mây xốp bồng bềnh…

4.
    Khi bà Lý tỉnh lại, bà vẫn thấy mình ngồi trong cái salông cao lút đầu, đối diện với bà là ông Mùi, bị trói chặt cứng trong một cái ghế dựa bằng gỗ khung sắt. Ông ta đã ngất xỉu. Một mảnh giấy để trước mặt bà Lý có dòng chữ: "Em đã sơ cứu, chị đưa ông ta đến Trung tâm cấp cứu và bỏ ông ta ở đấy. Ông ta phải bị trừng phạt vì đã âm mưu đánh thuốc mê chị em mình để… May mà thằng Khoèo thông minh đã biết trước âm mưu đen tối đó”.
    Sau này, những người quen biết cũ của ông bác sĩ Mùi có đến tìm ông ta thì chỉ thấy một người hao hao như ông Mùi ngày xưa đang đi lại trong cái sân nhỏ, cứ năm phút ông ta lại rú lên kinh hoàng, bộ mặt thoắt biến dạng, méo mó như mặt quỷ và mồm thì phát ra những âm thanh không giống tiếng người gì cả! Lúc  ấy, bà vợ ông ta, to béo như hộ pháp, cầm cái roi mây quật túi bụi vào ông ta và rít lên the thé!
                                                                                                                                    Sài Gòn, 1997-2009
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 04.12.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________



                          11 Đỗ Ngọc Thạch
 
Anh nuôi và chị nuôi


1.
      Khoảng giữa năm 1969, tôi từ đơn vị Ra-đa chiến đấu về Trung đoàn bộ. Tưởng rằng sẽ được đi học lớp sĩ quan Ra-đa ở nước ngoài, nhưng chờ đến chục ngày thì Trợ lý Quân lực Trung đoàn nói: "Quân lực Binh chủng mới điện vào nói đợt này lại hoãn, không biết đến bao giờ. Vậy cậu thích về lại Đại đội hay ở lại Trung đoàn bộ?”. Tôi nói ngay: "Cho em được trở về trường Đại học, hình như cái số em không hợp với việc học làm sĩ quan quân đội! Ba lần Trung đoàn gọi lên rồi lại hoãn, quá tam ba bận! Không có lần thứ tư đâu!”. Trợ lý quân lực nói: "Thôi được, sẽ cho cậu được toại nguyện! Nhưng phải ở lại Trung đoàn Bộ một năm nữa!”. Tôi sốt ruột: "Làm gì vậy?”. Trợ lý Quân Lực nói: "Trung đoàn sẽ mở một lớp Bổ túc văn hóa cho một số sĩ quan chỉ huy Đại đội để thi lấy bằng Trung học phổ thông. Có như vậy số sĩ quan này mới có đủ tiêu chuẩn gửi đi học ở Học viện Quân sự nước ngoài. Cậu sẽ làm giáo viên môn Toán cho lớp Bổ túc văn hóa này. Giáo viên môn Lý, Hóa và Văn đã có rồi! Lớp học kết thúc thì cậu sẽ được về lại Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp! Nhất cử lưỡng tiện nhé, cậu vừa lên lớp vừa củng cố lại kiến thức, có như thế việc về trường cũ học lại sẽ rất tốt!”…Tôi còn biết nói gì nữa?
      Thế là tôi được biên chế vào Tổ Giáo viên văn hóa thuộc Ban Chính trị Trung đoàn. Trong thời gian chờ "Chiêu sinh” – học viên là sĩ quan chỉ huy cấp Đại đội, tôi chỉ có một việc là chuẩn bị "Giáo án”. Tôi nghĩ "Giáo án” này không thể như giáo án của các Trường Trung học Phổ thông mà luyện kỹ năng giải bài tập Toán là chính (để đi thi lấy bằng Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, - giống như luyện thi bây giờ) cho nên tôi chuẩn bị "Giáo án” rất nhanh, bởi giải bài tập Toán là sở trường của tôi.
      Trong những ngày này, lúc rảnh rỗi tôi thường tới chơi với "người tiền nhiệm” là Thượng sĩ Bá Cường, hiện đang làm Quản lý Bếp ăn của Trung đoàn Bộ. Sở dĩ Cường không làm giáo viên văn hóa nữa vì Cường nóng tính, khi giảng bài thường buột mồm mắng học viên là "Ngu như bò”, mà học viên thì như đã nói trên, toàn là sĩ quan chỉ huy cả rồi! Vì Cường lại có "Hoa tay” nấu ăn, nguyên liệu chỉ là những thứ bình thường, nhưng qua tay Cường thì khi bưng lên bàn ăn, tỏa hương nghi ngút không thua gì sơn hào hải vị! Bếp ăn của Trung đoàn bộ là phục vụ toàn những sĩ quan chỉ huy cấp Trung đoàn, không thể "Chém to kho mặn” như bếp ăn Đại đội, vì thế, ngoài việc trực tiếp "Vào Bếp”, Cường còn có nhiệm vụ đào tạo (theo lối truyền nghề, "Cầm tay chỉ việc”) một số đầu bếp giỏi để cung cấp nhân tài nấu nướng cho các bếp ăn Đại đội. Đây là một chủ trương sáng suốt của Chính ủy Trung đoàn nhằm giúp bộ đội "Ăn no đánh thắng”, bởi trong điều kiện thời chiến, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội gặp rất nhiều khó khăn! Chỉ nói ví dụ như có một thời gian dài, các bếp ăn được nhận Bột mì (của nước bạn Liên Xô) kèm với gạo (gọi là "ăn độn”, như đã từng độn khoai, độn sắn…). Khoai và sắn thì dễ xử lý, nhưng khi độn Bột mì thì các Bếp ăn đều lúng túng, chỉ biết nhào nước rồi vo viên thành một cục như nắm đấm rồi cho vào chảo…luộc như luộc bánh trôi truyền thống! Bánh trôi thì là món ăn ngon từ ngàn đời nay, nhưng bột mì luộc thì lính ta có đói rỗng bụng cũng nuốt không trôi! Nhưng qua tay Cường thì các thủ trưởng Trung đoàn như là được thưởng thức bánh bao, sủi cảo, vằn thắn của người Việt gốc Hoa!...
      Lúc này, Bá Cường đang mở một lớp đào tạo "Đầu bếp”, thời gian là hai tháng. Học viên là Bếp trưởng của các Đại đội gọi về và một số các cô thôn nữ người địa phương, do Trung đoàn bộ đang "Kết nghĩa” với Chi Đoàn Thanh niên của xã nơi đóng quân. Vốn là người thích "lăn vào bếp” từ nhỏ, nên tôi xin được là "Học viên dự thính” của lớp đào tạo đầu bếp này, tất nhiên là Cường O.K.

2.
      Lớp đào tạo "Đầu bếp” của Bá Cường tiến hành được hai mươi ngày thì lớp Bổ túc văn hóa của tôi mới "Khai giảng”. Các học viên của lớp Bổ túc văn hóa trình độ không đồng đều, chỉ có chục người mà trình độ trải đều ra cả ba loại: lớp 8, lớp 9 và lớp 10, tức lúc đi bộ đội, họ đang học dở dang lớp 8, lớp 9 và lớp 10. Vì thế, chúng tôi phải chia ra làm ba tổ với ba cách học khác nhau. Sau một tuần, kiểm tra để xác định lại thực lực thì tất cả chỉ tương đương …lớp 7!
      Chuyện học hành của lớp Bổ túc văn hóa nói ra chỉ toàn chuyện không vui, nhưng bù vào đó, các học viên của lớp có rất nhiều "Tài lẻ”! Chẳng hạn như đại đội phó Đề có tài bắt lươn độc nhất vô nhị: chỉ cần đi tới bờ ruộng, dạo năm ba bước là có thể tìm thấy đâu có hút lươn (tổ lươn) và chỉ nhẹ nhàng thò ba ngón tay xuống hút lươn rồi sau một, hai phút kéo lên một con lươn vàng vàng nâu nâu to và dài, bị kẹp chặt giữa ba ngón tay! Hoặc như đại đội phó Đàn, có tài thổi sáo kỳ lạ: giăng một cái bẫy chim bằng lưới, không dùng chim mồi mà dùng tiếng sáo, chỉ sau năm phút tiếng sáo vang lên như muôn ngàn tiếng chim, lũ chim kia không biết từ đâu kéo tới đông như hội chim và rồi cuối cùng sập bẫy! Rồi có "Ba anh em Họ Nguyễn” như anh em họ Nguyễn trong Thủy Hử, có tài bơi lội như chuyện thần thoại: muốn ăn cá chỉ việc lặn hụp một hồi là có đủ các loại binh tôm tướng cá của Long Vương!...
      Chính vì thế mà lớp Bổ túc văn hóa của tôi và lớp "Đầu bếp” của Bá Cường thường xuyên có những bữa tiệc nhớ đời, đúng như câu thành ngữ "Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”!
      Khi hai lớp Bổ túc văn hóa và lớp "Đầu bếp” đã thân thiết với nhau thì dường như có tới tám mươi phần trăm học viên của lớp Bổ túc văn hóa sang làm học viên dự thính của lớp "Đầu bếp”! Thấy tôi có vẻ như không vui, Bá Cường nói: "Thực ra cái câu "Nhất sĩ nhì nông/ Hết gạo chạy rông / Nhất nông nhì sĩ” chỉ đúng ở vế thứ hai bởi xứ ta luôn đói nghèo, người ta lo kiếm cái ăn suốt đời không bao giờ đủ! Đó, rồi cậu sẽ thấy sau này, và mãi mãi, ở xứ ta, cái nghề "Đầu bếp” sẽ sống tốt hơn cái nghề dạy học! Cho nên tớ bỏ làm giáo viên văn hóa mà sang đây chuyên tâm vào nghệ thuật ẩm thực là nhờ có sự mách bảo của Quỷ Cốc Tiên sinh đấy! Cậu thử suy nghĩ xem!...”. Lúc đó, tôi cho rằng câu nói của Bá Cường là tán róc nhưng không ngờ hai mươi năm sau, gặp lại Bá Cường ở Sài Gòn, đang làm chủ một nhà hàng Đặc sản lớn nhất nhì thành phố thì mới thấy anh ta quả là biết nhìn xa trông rộng! Nếu như tôi chỉ cần sử dụng một vài chiêu thức xào nấu của Bá Cường mà tôi đã học được thì rất có thể tôi đã có một nhà hàng ăn uống kha khá, tiền tiêu xài rủng rỉnh chứ không phải thức thâu đêm để viết lách lăng nhăng kiếm mấy đồng nhuận bút còm sống lắt lay!...Nhưng than ôi, người tính không bằng Trời tính!

3.
      Khi lớp "Đầu bếp” kết thúc, kết quả của cuộc thi "Tốt nghiệp” lại thật bất ngờ: Người đậu "Thủ khoa” lại không phải là học viên chính thức, tức các Bếp trưởng Đại đội lặn lội từ khắp nơi về, mà lại là một Đại đội phó của lớp Bổ túc văn hóa: Thiếu úy Dưỡng! Đại đội phó Dưỡng nói với tôi: "Ngay từ buổi học đầu tiên, tôi đã biết mình sẽ bị đo ván trong cuộc "Đánh vật” với những Bài tập Toán! Tôi đã xin được trở lại đơn vị chiến đấu, nhưng các Thủ trưởng Trung đoàn không chịu, cứ bắt tôi phải học, lại còn nói "Quân lệnh như sơn”, nếu tôi không ngoan ngoãn chấp hành sẽ bị kỷ luật!...Tôi đang chán nản thì thấy lớp học "Đầu bếp” này! "Sư Phụ” Cường quả là người đã hiểu tôi và nhận tôi làm "Đệ tử chân truyền”, vì thế mới có cái chuyện "Học viên lớp Bổ túc văn hóa đậu Thủ khoa lớp Đầu bếp” này!”. Tôi chúc mừng Đại đội phó Dưỡng và hỏi: "Vậy anh có định tiếp tục học Bổ túc văn hóa nữa không?”. Đại đội phó Dưỡng nắm chặt tay tôi năn nỉ: "Anh biết thừa là tôi không thể học văn hóa được mà còn hỏi câu đó! Tôi sẽ xin trở lại đơn vị làm Đại đội phó phụ trách Bếp ăn Đại đội, nếu không phù hợp với tổ chức quân đội thì tôi tình nguyện xin thôi chức Đại đội phó mà chỉ xin nhận chức Bếp trưởng! Vậy nhờ anh nói với Chính ủy Trung đoàn giúp tôi, anh cứ nói là tôi học dốt nhất lớp, không nên bắt tiếp tục học, phí công vô ích!”. Tôi đành phải nhận lời Đại đội phó Dưỡng.
      Ngày hôm sau, Tôi được Chính ủy tới thăm và hỏi về tình hình lớp học. Tôi đem chuyện của Đại đội phó Dưỡng báo cáo Chính ủy. Chính ủy nghe xong thì nói: "Tôi cũng đã nhận được lá đơn của đồng chí Dưỡng gửi trực tiếp. Đang phân vân nên mới đến hỏi ý kiến cậu. Nếu quả là đồng chí Dưỡng không học văn hóa được thì cho về đơn vị làm Bếp trưởng là tốt nhất. Con người ta phải được đặt đúng chỗ để phát huy được sở trường!...Rất tiếc là chúng ta nhiều khi đã rất sai lầm trong chuyện dùng người!”. Thấy Chính ủy đang có vẻ "đầy tâm sự”, tôi bèn nói luôn chuyện của mình: "Thưa Chính ủy! Nhân đây tôi thấy việc cho các sĩ quan chưa tốt nghiệp Trung học đi học Bổ túc Văn hóa để đào tạo Sĩ quan chỉ huy cấp cao hơn cũng có nhiều cái bất ổn! Họ học rất chật vật, giáo viên cũng khổ!...”. Chính ủy ngắt lời: "Tôi biết rồi, nhưng đây là chủ trương chung, chỉ thị từ trên, ta không thể làm khác! Cậu ráng làm hết khóa học này đi, tôi đã nghe Trợ lý Quân lực nói về trường hợp của cậu rồi, cậu sẽ được trở về trường Đại học!”…
      Ngày hôm sau nữa, Quản lý Bếp ăn Bá Cường nhắn tôi tới dự bữa tiệc chia tay của Đại đội phó Dưỡng. Tôi cứ nghĩ các món ăn đều do Đại đội phó Dưỡng thực hiện, nhưng lại không phải, mà là do một học viên trong số các cô thôn nữ của Chi Đoàn địa phương thực hiện. Trước khi nhập tiệc, Đại đội phó Dưỡng nói: "Người thực hiện các món ăn hôm nay không phải là tôi, mà là cô Ngát Thơm. Hôm thi kết thúc lớp học, cô Thơm có ý nhường tôi thi thố tài năng nên chỉ thực hiện vài món ăn thông thường. Hôm nay cô Thơm mới dùng đến các tuyệt kỹ, có ý muốn Sư phụ Cường chấm điểm năng lực thực sự của cô!”. Sau khi nếm ba món ăn của cô Ngát Thơm, Sư phụ Bá Cường thật sự ngạc nhiên và nói ngay: "Tài nấu nướng của cô Ngát Thơm trên Đại đội phó Dưỡng một bậc!”.
      Mọi người vỗ tay rào rào!...
      Bây giờ, tôi mới nhìn kỹ người thôn nữ "Ngọa hổ tàng long” kia: thì ra cô Ngát Thơm chính là con gái của ông già tên là Yên Thành, nhà ở ngay cạnh lán trại Ban chính trị chúng tôi (Khi đóng quân ở đâu, lúc đầu Trung đoàn Bộ thường ở nhờ trong nhà dân, sau đó thì làm những căn nhà "tự tạo” bằng vật liệu sẵn có ở địa phương. Lúc này, Ban Chính trị đã làm được bốn căn nhà tranh tre nứa lá rất đẹp trên một bãi đất trống ở ven rừng, phong cảnh rất ngoạn mục). Ông già Yên Thành được đặt tên theo tên huyện quê hương ông. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nhập ngũ và đã từng là Chiến sĩ Nuôi quân dạn dày kinh nghiệm. Ông có hai cậu con trai đã nhập ngũ, ông đều bảo chúng làm Chiến sĩ nuôi quân để giúp bộ đội ta ăn ngon và ăn no, bởi theo ông thì Nuôi quân là Số Một, là khởi đầu của mọi vấn đề vì như dân gian đã đúc kết: Có thực mới vực được đạo ! Cho nên giờ cô Ngát Thơm phô diễn những tuyệt kỹ nấu nướng thì quả đúng là Hổ phụ sinh hổ tử ! Song, câu chuyện bất ngờ hơn khi không chỉ dừng ở tài nấu ăn của cô Ngát Thơm mà cái kết của nó thật bất ngờ khi ông Yên Thành đứng lên tuyên bố: "Sau khi Sư phụ Bá Cường đã chấm điểm, xin tất cả thực khách cùng thưởng thức và cho ý kiến, nếu đều cho điểm tối đa thì tôi sẽ đồng ý cho con gái của tôi và Đại đội phó Dưỡng được bái đường thành thân!”. Mỗi người có mặt đều chọn một món ăn thử và đều gật gù khen ngon, và cuối cùng tất cả đều đồng thanh: "Điểm tối đa!”. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt quắc thước của ông Yên Thành, có lẽ ông đang rất mãn nguyện!...
      Sau bữa tiệc, tôi chào Đại đội phó Dưỡng rồi hỏi: "Hai người bao giờ làm đám cưới? Nhớ mời tôi nhé!”. Đại đội phó Dưỡng cười rất tươi: "Rất buồn là bị thầy giáo Toán cho toàn điểm 2, nhưng lại rất vui vì thầy đã nói với Chính ủy ngay việc tôi nhờ. Bây giờ, tôi đưa Ngát Thơm về Đại đội, hiện ở rất gần đây. Nếu các Thủ trưởng Đại đội đồng ý nhận Ngát Thơm làm Chị Nuôi của Bếp ăn Đại đội thì chúng tôi sẽ làm đám cưới và cùng làm Anh Nuôi và Chị Nuôi!”.
      Tôi chúc hai người "Vạn sự như ý” và nghĩ rằng nhất định Ban Chỉ huy Đại đội của Đại đội phó Dưỡng sẽ chấp nhận Dưỡng và Ngát Thơm làm Anh Nuôi và Chị Nuôi!
                                                                                                                                     Sài Gòn, 8-12-2009
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 14.10.2011
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________



                          11 Đỗ Ngọc Thạch

 
TƯỚNG  SÁT  PHU
 

1-
    Một buổi sáng cuối Xuân đầu Hạ, hai chú tiểu của chùa Pháp Vân ra mở cổng chùa thì thấy một cái bọc nhỏ đặt trong một cái hộp giấy cứng không có nắp đậy, trong cái bọc đó là một đứa bé gái khoảng một tháng tuổi, đang thiếp ngủ!...
    …Mười ba năm sau, đứa bé gái bị cha mẹ bỏ vào nhà chùa đó đã trở thành một thiếu nữ mắt phượng mày ngài, mặt trái xoan, dáng dấp thanh tú. Hai chú tiểu ngày nào đã trở thành sư thầy, nói với nhau: "Chúng ta làm ơn cứu mạng như thế cũng được rồi, nay nên trả đứa bé lại cho cha mẹ nó, để nó ở lại đây tất sẽ gây họa lớn! Cái trán cao rộng, hơi gồ và sáng bóng, mũi thì dài sống mũi lại quá mảnh khảnh, lưỡng quyền cao rộng nên có số sát phu, đàn ông mà dây dưa với nó tất chết bất đắc kỳ tử!” Rồi ngay sau đó, hai sư thầy gửi cô bé cho một vị giáo sư, nói là nó có tư chất thông minh, nhờ giáo sư kèm cặp, sau ắt sẽ trở thành nhân tài của đất nước! Quả nhiên, chỉ sau ba năm, cô bé đã học xong tất cả chương trình phổ thông trung học. Các bài thi đại học những năm trước đó, cô bé đều làm dễ dàng như ăn kẹo!   Vị giáo sư đã hoàn tất mọi thủ tục để cô bé tham dự kỳ thi đại học tới, cô bé ắt sẽ đỗ thủ khoa, cả nước sẽ bị một phen bất ngờ!…
    Nhưng, người bị bất ngờ lại chỉ là hai ông sư thầy của chùa Pháp Vân: Trước ngày thi một ngày, bà vợ vị giáo sư dắt cô bé trả lại cho nhà chùa mà rằng:
    - Đứa bé này thông minh thật, đúng là Thần đồng, nhưng nó đã đem tai họa đến cho nhà tôi: ông chồng tôi gần hết đời mới đạt được công danh, vậy mà chỉ sau một đêm dan díu với nó đã chết thật thảm thương! (Khóc) Sáng nay, ông ấy dậy sớm tập thể dục như mọi ngày, vậy mà không thể trở về nhà với tôi được nữa: một chiếc xe tải to đùng đã nghiến nát ông ấy rồi!
    Hai vị sư thầy đành để cô bé ở lại chùa. Việc truy tìm tung tích cha mẹ đứa bé vẫn chưa có kết quả. Hai vị sư thầy bàn với nhau: "Nó đã đem tai họa đến cho người ta, vậy phải cho nó cơ hội chuộc lại tội lỗi: cho nó đi học nghề chữa bệnh cứu người. Công, tội có thể bù đắp, hóa giải cho nhau!” Cô bé liền được gửi đến ở phòng mạch Đông Y của một Lương Y danh tiếng, nghe nói đã bốn đời hành nghề chữa bệnh cứu người, cha ông đã từng thọ giáo bậc danh y Hải Thượng Lãn Ông! Cô bé đến phòng mạch Đông Y chưa được ba bảy hai mươi mốt ngày thì bà vợ ông Lương Y đã dắt nó đến trả cho nhà chùa mà không nói một lời! Hai sư thầy đi tìm hiểu sự việc thì được biết: một lần đang xem bệnh, kê đơn bốc thuốc cho con bệnh thì cô bé đi vào nói đau bụng không thể chịu nổi. Vị Lương y đành bỏ dở công việc mà tìm cách cắt cơn đau cho cô bé. Sau một hồi day huyệt, cô bé đã hết đau bụng nhưng vị Lương Y đã bị cơ thể cô bé làm cho mất hồn, không thể kiềm chế được cơn sóng tình dục cứ dâng lên cuồn cuộn. Sau cuộc giao hoan vội vàng với cô bé, vị Lương Y chẳng còn minh mẫn để kê đơn bốc thuốc cho con bệnh, kết quả là cái toa thuốc ấy đã giết chết con bệnh, người nhà con bệnh tức thì vác dao đến đòi mạng, chẳng kịp ngăn cản!... Hai vị sư thầy sau khi biết chuyện thì mười phần kinh hãi! Mặc dù hai vị sư thầy nghiên cứu rất kỹ về thuật tử vi tướng số nhưng trong thâm tâm họ đều không mấy tin vào những chuyện tào lao đó, chẳng qua chỉ là trò chơi của tạo hóa! Nhưng đến sự việc xảy ra ở phòng mạch Đông Y này thì cả hai vị sư thầy đều run sợ trước sự huyền bí của định mệnh mà thuật tướng số chỉ hé mở được phần nào sự huyền bí đó! Suy nghĩ nát nước mà hai vị sư thầy vẫn chưa biết phải cho cô bé có tướng cách dị thường này đi đâu, chùa Pháp Vân này chưa có lệ thu nhận sư nữ mà tung tích cha mẹ cô bé vẫn chưa thấy tăm hơi gì? Thời gian cứ đều đặn trôi đi từng ngày, từng ngày, nó không thể dừng lại để đợi hai vị sư thầy nghĩ xong kế vẹn toàn, một tuần lễ trôi qua như một cái chớp mắt. Sang ngày thứ tám, một vị sư thầy có việc phải đi Tây Nguyên. Ba ngày sau, vị sư thầy ở nhà được báo mộng, người báo mộng lại là đích thân Bồ Tát: ”Đêm hôm trước khi đi Tây Nguyên, sư huynh con đã dại dột giao hoan với cô bé có tướng sát phu đó. Hôm qua, xe chở sư huynh con đã lăn xuống vực ở tỉnh Kon Tum, chiếc xe cháy rụi, sư huynh con đã bị cháy thành than rồi! Tiếc thay, trồng cây sắp đến ngày hái quả mà lại…Con ráng mà giữ thân đặng tu thành chính quả, đừng như sư huynh mà uổng công mấy chục năm tu hành!”. Vị sư thầy chỉ còn biết ôm bài vị của sư huynh mà khóc không thành tiếng!…
                                                            ***
2-
    Khi tôi đang lang thang kiếm sống ở Sài Gòn thì bất ngờ gặp một người bạn cũ là chuyên gia Hán-Nôm ở Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Khi biết được tình cảnh đang thất nghiệp của tôi, người bạn nói:
    - Giá như ông nghe tôi, hồi còn làm ở Viện Văn học mà tranh thủ theo học một khóa Hán-Nôm thì bây giờ tôi có thể nhận ông làm việc ở chỗ tôi. Bây giờ phong trào tìm về cội nguồn rất rầm rộ, rất nhiều văn bia, thần tích, gia phả…cần được biên dịch…
    - Tôi không thích nói "Giá như…”, ông không giúp được gì cho tôi cũng không sao! – Tôi nói cứng – Mà ông cũng chẳng phải ái ngại cho tình cảm của tôi bây giờ. Cái số tôi nó "bèo dạt mây trôi” dài dài, tôi đã quen rồi!
    Người bạn vụt nhớ ra điều gì, vội nói:
    - Ông nói tới chuyện tướng số làm tôi nhớ đến một vị sư thầy ở chùa Pháp Vân, vừa là bà con xa vừa là học trò Hán-Nôm của tôi. Vị sư thầy này rất giỏi tử vi tướng số, nếu ông có hứng thú, tôi sẽ dẫn ông tới chơi!
    Dĩ nhiên là tôi rất hứng thú và người bạn chuyên gia Hán-Nôm liền dẫn tôi đến chùa Pháp Vân. Khi chúng tôi đến chùa Pháp Vân, vị sư thầy vẫn chưa thôi ôm bài vị của sư huynh mà khóc thầm! Gặp người bạn chuyên gia Hán-Nôm và tôi, vị sư thầy mới dứt được nỗi đau mất sư huynh đã kéo dài ba ngày! Sau khi kể cho chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện về cô bé có tướng sát phu, vị sư thầy nói:
    - Tôi đã được Bồ Tát báo mộng sắp thành chính quả, vì thế bằng mọi giá phải cho cô bé đi khỏi chùa này. Tôi rất mong sư phụ và thí chủ đây giúp tôi!
    - Chúng tôi xin sẵn lòng, sư thầy cho biết giúp như thế nào? – Tôi và người bạn Hán-Nôm cùng nói .
    Vị sư thầy im lặng giây lát như lấy hơi rồi nói: - Tôi không ngờ cái tướng sát phu của cô bé lại ứng nghiệm kinh hoàng như vậy. Tôi đã đành phải lấy cái tướng cách đó ra mà đặt tên làm giấy khai sinh cho cô bé, gọi chệch đi một chút: Sa Phi!  Tôi chợt nghĩ, cái tên đó gần giống với tên một loại đá quí, vì thế tìm một người có tên là một loại đá quí mà gả cho cô ta thì tai họa sẽ giảm thiểu đi nhiều, nếu người đó có lá số tử vi gần giống với lá số tử vi của Hàn Tín thì không còn lo ngại gì nữa!  Nghe tới đó, tôi giật mình kinh ngạc vì thấy mình đáp ứng đủ cả hai điều kiện mà sư thầy vừa nói. Tôi càng kinh ngạc hơn khi vị sư thầy chăm chú nhìn tôi một lát rồi nói:
    - Thí chủ đây đã lập lá số tử vi chưa? Nếu chưa tôi xin làm giúp!
    Tôi lấy lá số tử vi của mình ra đưa cho vị sư thầy mà nói:
    - Tôi mới lập lá số này được một tháng, nhờ thầy xem lại!
    Vị sư thầy đón lấy lá số tử vi của tôi, liếc nhanh qua rồi nắm chặt lấy hai tay tôi mà rằng:
    - Người cứu mạng tôi đây rồi! Hẳn là Bồ Tát đã đưa tới!
    Mọi việc đã được quyết định chóng vánh như là vị sư thầy đã chuẩn bị sẵn từ trước: vị sư thầy thuê cho tôi một căn nhà nhỏ ở vùng ven đô, tiền trả trước một năm, ba ngày nữa tôi sẽ đem xe hoa đến đón cô dâu Sa Phi về đó làm lễ động phòng! Tất nhiên mọi chi phí cho tiệc cưới (gọn nhẹ), sư thầy lo hết!… Ngày thứ nhất, tôi làm xong cái việc khá quan trọng là tân trang căn nhà nhỏ, nơi sẽ trở thành tổ ấm gia đình của tôi sau nhiều năm phiêu bạt giang hồ, lăn lóc khắp rừng xanh núi đỏ cho đến biển bạc sóng cồn! Có lẽ cái nhu cầu cần có điểm dừng đã quá mạnh khiến cho tôi không hề cảm thấy run sợ mảy may khi phải đối mặt với sứ giả của tử thần! Có lúc tôi cũng tặc lưỡi mà cười thầm: "Có chết trong tay người đẹp cũng còn hơn là chết tan xác nơi sa trường mịt mù bom đạn! Vả lại, vị sư thầy đã cam đoan với tôi rằng, cái tướng sát phu dù có dữ dội tới cỡ nào cũng không hại được tôi, vì tôi đã có quý nhân phù trợ, hơn chục lần tôi đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc đã khẳng định chắc chắn điều đó!”. Quả nhiên, trong giấc ngủ ở nhà mới đêm đầu tiên, tôi đã được Phật Tổ Như Lai hiện ra báo mộng: Ngài hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ, nhìn tôi bằng ánh mắt nhân từ, tuy Ngài không nói gì nhưng đã mỉm cười với tôi! Tôi hiểu ra ngay cái ẩn ý ở sau sự kiện này: tôi đã có công cứu nạn người nhà Phật (tức vị sư thầy chùa Pháp Vân) nên số phận đã mỉm cười với tôi, tôi cứ im lặng làm theo sự xếp đặt của số phận, không nói gì cả, vì im lặng là vàng mà! Ngày thứ hai, tôi đi thuê xe ô-tô đón dâu và một bộ complê rồi mua một vài thứ lặt vặt cần dùng. Xong việc, cũng vừa tới bữa trưa, tôi vào một nhà hàng nơi con hẻm yên tĩnh để tự thưởng cho mình một chầu no say, đặng ngày mai bước vào cuộc chiến đấu mới đầy bí hiểm! Vừa uống xong li bia đầu tiên thì thật bất ngờ, Siêu – một người bạn, cùng học với tôi từ năm lớp mười ở trường Hải An (Hải Phòng), đi vào! Sau phút hàn huyên tôi mới được biết: Anh ta đã tốt nghiệp đại học Thủy sản, Siêu về làm việc ở Sở Thủy Sản Hải Phòng một thời gian rồi lên cơ quan Bộ, một thời gian sau nữa làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản, hiện đang chuẩn bị nhận chức phó Tổng giám đốc của một Tổng công ty rất lớn. Hỏi đến chuyện vợ con, Siêu rầu rĩ nói:
    - Ngày mai là ngày tao cưới vợ lần thứ hai. Nếu như vợ trước của tao đẹp như hoa hậu thì vợ này không thua gì Thị Nở của anh Chí Phèo!
    Tôi ngạc nhiên:
    - Thế thì thôi đi, như mày lấy vợ đẹp có khó gì?
    - Không thể thôi dễ dàng như mày nói thế được! – Siêu nói thong thả – Cô nàng tuy xấu mã nhưng lại tốt tướng, phải nói là quý tướng, đó là tướng "vượng phu ích tử”: nàng vừa có ngọc đới yêu vi vừa có song long nhiễu nguyệt, người như thế trong ngàn người mới có một! Hơn nữa, cha và mẹ nàng đều có thế lực cực mạnh ở trong giới kinh doanh và quan trường!
    - Thế thì còn rầu rĩ cái nỗi gì! Cứ cưới cô vợ Thị Nở ấy đi, khi nào thích "ăn phở” thì một cú điện thoại là có liền, mà "phở” bây giờ được "nâng cấp” tới cỡ siêu người mẫu, hoa hậu, ngôi sao điện ảnh…thậm chí có cả "hàng ngoại” với đủ các màu da, các quốc tịch! – Tôi nói như là rất sành sỏi trong đề tài này! Siêu như là không hứng thú với cái đề tài "phở”, hỏi sang chuyện làm ăn của tôi và tỏ ra ái ngại cho cảnh ngộ hiện tại của tôi. Siêu nói:
    - Chịu khó chờ một thời gian nữa, khi nào tao nhận chức, tao sẽ lấy mày về làm việc ở Phòng thông tin – tuyên truyền, chắc là mày sẽ làm tốt ! Còn chuyện vợ con thì sao ?
    Khi tôi đưa tấm hình của Sa Phi cho Siêu xem và nói ngày mai sẽ là ngày đón dâu, Siêu kinh ngạc thốt lên:
    - Tiên nữ giáng trần! Không thua gì tứ đại mỹ nhân bên Tàu ngày xưa ! Cô gái này có vẻ đẹp bế nguyệt của Điêu Thuyền!
    - Chính xác!– Tôi thừa nhận – Dung nhan thì hao hao như Điêu Thuyền, nhưng tư chất thì đặc biệt thông minh, trí nhớ thật siêu phàm. Đọc sách chỉ một lần là hiểu ngay và nhớ hết, có thể đọc ngược Truyện Kiều không sai một chữ! Cô ta đã tự học ba ngoại ngữ Anh, Pháp và Trung Hoa! Tuy không học qua trường nào nhưng có thể giải nhanh chóng tất cả các đề thi đại học!…
    Những câu chuyện về cô gái Sa Phi đã thực sự cuốn hút anh bạn Siêu của tôi, nhất là chuyện sát phu kỳ lạ và kinh hoàng! Khi chúng tôi đã uống hết một thùng bia Heineken, Siêu nói "xì-tốp” và kêu một ấm trà Thái rồi châm rãi nói:
    - Mày phải hủy bỏ ngay đám cưới này! Để rồi tao sẽ làm mối cho mày một người vợ có tướng cách cực quý, vừa vượng phu ích tử vừa rất xinh đẹp, lại có chức danh Phó Giám đốc đàng hoàng!
    - Dù có là Nữ hoàng bây giờ muốn cưới tao, tao cũng không ham. Đã nhận lời người ta rồi, mọi việc đã hoàn tất, không thể thất tín được, nhất là với người nhà Phật! Hình như trong chuyện này, cả Phật Tổ Như Lai và Quan Âm Bồ Tát đều nhúng tay vào! – Tôi nói to như quát. Hai người hai quan niệm khác nhau thật khó mà có thể đi đến một sự hòa hoãn. Những tưởng cuộc tranh luận của chúng tôi sẽ dẫn đến xung đột vì chúng tôi vốn cùng nóng tính và từ thời học trò vốn chẳng ai chịu thua ai. Song, anh bạn Siêu của tôi tỏ ra bình tĩnh và sành đời hơn. Không hiểu sao, Siêu bỗng đưa cho tôi cái điện thoại di động mới cứng và nói:
    - Cái điện thoại di động này tao mua cho mụ vợ, nhưng hôm nay gặp lại mày ở đây, tặng mày luôn. Mày hãy gọi cho một người thân nào đó bất kỳ mời mai đến dự lễ cưới của mày, nếu người đó nhận lời ngay thì mọi điều mày nói từ nãy đến giờ đều đúng! Còn nếu mày gọi tiếp cho hai người nữa mà không ai nhận lời thì mày phải nghe tao, hủy đám cưới!
    Tôi nhận cái điện thoại di động từ tay Siêu, ấn ngay số máy điện thoại của bà chị cả. Vừa nghe thấy giọng nói của tôi, bà chị đã nói ngay, giọng mếu máo:
    - Mẹ ốm nặng, tình hình rất nguy kịch, cậu ra Hà Nội ngay, chị sẽ ra sau vì cả ba đứa cháu của cậu đều đang sốt ói mửa lung tung!… Nhận được tin dữ, tôi nhờ Siêu đưa tôi đến chùa Pháp Vân ngay. Vị sư thầy chấp nhận quyết định chớp nhoáng của tôi: tôi phải đi Hà Nội khẩn, Siêu sẽ thay tôi giải quyết vụ cô gái tướng sát phu!…
                                                  * * *
3-
    Ra Hà Nội, tôi chỉ được báo hiếu mẹ một tháng thì mẹ tôi qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi chỉ đọc cho tôi nghe câu ca dao cổ: "Con ơi, nhớ lấy câu này Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi!”. Sau cái chết của mẹ, mọi suy nghĩ của tôi về sự đời như là có sự thay đổi rất lớn: Nếu như trước đây tôi "coi trời bằng vung”, sẵn sàng "bán trời không văn tự” thì bây giờ lúc nào tôi cũng cảm thấy sợ hãi, thấy mình yếu đuối, bé nhỏ vô cùng, cô đơn vô cùng! Tệ hại hơn là trong giấc ngủ thường có ác mộng: cảnh bom đạn nơi chiến trường ngày xưa cứ hiện về không ngớt, và kết cục những cơn ác mộng ấy là một chùm bom cứ lao thẳng vào người tôi, có lần là cả một tốp hơn chục chiếc máy bay "Thần Sấm”, "Con Ma” cứ nhằm tôi mà lao tới cùng với những âm thanh gầm rú ghê rợn!…Và cuối cùng tôi đã rút ra phương châm xử thế: tránh mọi va chạm với người đời và tránh xa mọi tai ương có thể xảy ra! Để làm được điều như thế, không có cách nào tốt hơn là học các ẩn sĩ thời xưa! Biết tôi có ý định tìm chỗ ở ẩn, Lò Giàng Páo – cậu học sinh cũ của tôi khi tôi dạy ở trường dự bị đại học Dân tộc Trung ương – nói sẽ dẫn tôi lên quê hương Hà Giang của cậu núi non trùng điệp, rất nhiều chỗ sơn thủy hữu tình có thể dựng Am cỏ như người xưa! Páo là người Lô Lô, rất nhiệt tình nên chỉ sau một tuần, tôi đã làm xong thủ tục chuyển vùng. Chỉ chờ Páo xin nghỉ phép là thầy trò chúng tôi có thể lên đường… Sáng hôm ấy, tôi đang thơ thẩn ở Viện Bảo tàng dân tộc để chờ Páo thì bất ngờ gặp lại Giàng A Thạc – học cùng với tôi hồi lớp Năm ở trường Lương Ngọc Quyến – Thái Nguyên . Khi biết ý định muốn lên rừng của tôi, anh chàng họ Giàng người H’mông cười chảy nước mắt rồi kéo tôi đi, vừa đi vừa nói:
    - Tao có thằng bạn rất thân, hóa ra nó là bạn học với mày hồi lớp Mười ở Hải Phòng. Mày nhớ thằng Đông chứ, tốt nghiệp trường Đại học Mỏ – Địa chất, nó về làm ở một đoàn Địa chất tỉnh Thái Nguyên, tao với nó chơi với nhau từ đó. Sau khi nó được đi làm luận án tiến sĩ ở Nga về, thì chuyển sang làm bên Dầu khí. Lần này nó rủ tao vào Vũng Tàu. Chắc chắn khi mày gặp nó là sẽ bỏ ngay ý định lên rừng mà sẽ đi xuống biển với chúng tao!
    Quả nhiên khi gặp Đông, tôi bị Đông thuyết phục đi Vũng Tàu với Đông và anh bạn người H’Mông, và điều đặc biệt là Đông sẽ nhờ tôi làm quản lý trang trại của Đông ở Đồng Nai – như vậy là vẫn có chỗ cho tôi dựng Am cỏ làm Ẩn sĩ. Thì ra Đông làm công tác Thanh tra của ngành Dầu khí. Đông kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện thuộc loại "thâm cung bí sử” của ngành Dầu khí và lấy làm tiếc rằng tôi không còn làm báo nữa vì nếu còn làm báo sẽ được có những tài liệu "độc nhất vô nhị” về những vụ tham nhũng động trời mà Đông đang thu thập chứng cớ. Gía như trước đây, hẳn là tôi sẽ bám riết lấy Đông mà khai thác tài liệu, nhưng giờ thì tôi đã "tắt lửa lòng”, không muốn quan tâm đến thế sự nữa, điều mà tôi quan tâm nơi Đông là cái trang trại của Đông ở Đồng Nai. Vì thế, sau ba ngày tắm biển sảng khoái ở Vũng Tàu, tôi thúc giục Đông đưa tôi đến trang trại… Trang trại của Đông thật là trên cả tuyệt vời, nếu tả cảnh thuần túy thật cô đọng, ngắn gọn cũng phải hết năm chục trang sách khổ 13×19. Còn nói về tiềm năng phát triển kinh tế của trang trại thì cũng không dưới năm mươi trang! Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của tôi ở cái trang trại này không phải là thiên nhiên kỳ thú mà là những người đang làm việc ở đây, mà đáng chú ý nhất là một người đàn bà trạc tứ tuần có tên gọi là Sái phu nhân. Tôi té ngửa khi chợt nhân ra khuôn mặt của Sái phu nhân rất giống cô gái Sa Phi ở chùa Pháp Vân! Chẳng lẽ đó chỉ là sự giống nhau ngẫu nhiên? Nhưng sau khi tìm hiểu thì sự ngờ vực của tôi đã có lời giải: bà Sái phu nhân chính là mẹ đẻ của cô gái Sa Phi! Và cái tên Sái phu nhân cũng do chữ "sát phu” mà ra: từ năm mười bảy tuổi đến năm bốn mươi tuổi, bà ta đã mười lần lên xe hoa và cả mười tân lang đều chết "bất đắc kỳ tử”, điều đáng ngạc nhiên là cả mười tân lang đều là quan chức cỡ giám đốc, Tổng giám đốc, trong đó có hai vị thuộc ngành du lịch, hai vị ở ngành Ngân hàng, hai vị ở ngành Dầu khí, hai vị ở ngành Thủy hải sản và hai vị ở ngành Thương mại! Với "chiến tích” đó, bà Sái phu nhân còn có tên gọi "Thập đạo Nữ tướng”, đó là giới sử học gọi còn cánh nhà báo thì gọi là "sát thủ giám đốc”!…
    Khi tôi nói rằng tôi đã gặp cô gái Sa Phi ở chùa Pháp Vân thì bà Sái phu nhân bỗng khóc rống lên một hồi rồi nói:
    - Tôi thật đáng chết khi bỏ con bé vào chùa Pháp Vân!… Con ơi, con hãy tha tội cho mẹ!... Sau đó ba năm, tôi có nhờ người đến tìm nhưng không thấy, tính đến nay đã gần hai mươi năm trời, không biết con tôi thế nào? Nếu ông biết con tôi ở đâu dẫn nó về đây giúp tôi, tôi xin tự nguyện làm tôi tớ cho ông mãi mãi!…
    Vốn có tính dễ mủi lòng trước những lời cầu xin đẫm lệ, tôi nhận lời đi tìm Sa Phi, vả lại tôi cũng có chút "duyên nợ” với cô gái này! Tôi lập tức đi tìm Siêu. Có lẽ phải tìm đến nhà cô gái "dung nhan Thị Nở” nhưng có tướng "vượng phu ích tử” thì sẽ gặp Siêu. Nhưng khi đến đó, thì cô Thị Nở nói với tôi:
    - Anh Siêu chê em xấu xí quá nên đã hủy hôn, rồi cưới cô gái có cái tên "Sa Sát” gì đó! Nghe nói họ đang hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt, anh lên đó sẽ gặp!
    Tôi đến ngay Công ty của Siêu thì họ cũng nói vậy và cho tôi số máy di động của Siêu. Tôi gọi ngay cho Siêu thì người trả lời lại là tiếng của cô gái: ”Em là Sa Phi đây! Anh Siêu của em đang ở đâu hả? Chúng em đang ở thác Đăm Bri, anh ấy vừa bị rơi xuống thác…  đội cứu hộ đang tìm nhưng chưa …!”.
    Không biết cô gái Sa Phi còn nói gì nữa không mà tôi chỉ nghe thấy tiếng thác dội ầm ào!…
                                                                                                                                   TP.HCM, 2005-2009
                                                                                                                                           Đỗ Ngọc Thạch
Đỗ Ngọc Thạch
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ SÀI GÒN ngày 25.10.2010
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet.Net Khi Trích Đăng Lại.
__________________________________________________
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét